Như nhiều người khác, tôi cũng từng cảm thấy mất phương hướng và “thất bại thảm hại” khi vừa đặt chân đến ngành công nghiệp sáng tạo, phải cố gắng làm những thứ mù mờ mà bản thân cho đó là “bước tiếp theo”. Còn bây giờ, tôi nhận ra nỗi chán chường xưa kia là do mình chỉ biết cưỡng ép giải quyết vấn đề, làm mọi thứ để vấn đề biến mất mà không thấu hiểu “vì sao mình lại cần xử lý chúng” và “nhờ chúng để tạo tiền đề phát triển”. Giờ nhìn lại, tôi hiểu sự thất vọng ấy xuất phát từ việc mình còn non kém kinh nghiệm – “khối u nhức nhối” đang hoành hành hàng loạt designer, developer trẻ tuổi.
Tôi nghĩ mình nên viết những điều này ra và chia sẻ “bí kíp” của mình với các bạn đang mong muốn tìm được một sự nghiệp tươi sáng hơn.
1. Đừng tỏ ra xem thường trước những người “kém am hiểu”
Sự thật thì sáng tạo là một ngành công nghiệp còn rất trẻ, thế nên làm sao một con người có thể am hiểu về tất thảy mọi ý tưởng, công cụ hay nền tảng mới nhất liên tục được tweet, chia sẻ hoặc “bom mail” mỗi ngày? Đừng nghĩ người khác “kém am hiểu” hơn chỉ vì họ chọn một thứ khác để nghiên cứu, bởi vì bạn biết đấy – “mâm cỗ” luôn xoay chuyển dễ dàng. Thay vào đó, hãy dành thời gian để tạo dựng quan điểm cho riêng mình qua việc viết blog, tham gia thảo luận cùng cộng đồng bởi đó chính là cách bạn thay đổi “lăng kính” của mình.
2. Cẩn thận với “dị ngữ”
Sao cứ phải dùng tới 15 chữ để mô tả thứ gì đó trong khi bạn chỉ cần 10? Hãy chọn từ ngữ thật cẩn thận. Dù bạn là một trong một đám “những kẻ dị hợm khoái dùng dị ngữ” thì cũng cố mà dùng ngôn ngữ “thường dân” một chút, đừng ráng làm bản thân thấy “cao cao tại thượng”chỉ vì nói một loại ngôn ngữ mà bạn biết chả ai hiểu.
3. Hiểu từng đoạn code mình viết
Nếu đang thai nghén một bộ code, nhưng không thực sự cảm thấy thoải mái với công dụng hay bản chất của nó, đừng vội ném tất cả vào sọt rác. Khi phải đấu tranh giữa việc bỏ hay không bỏ, hãy chậm lại một chút để xem có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề hay không. Nếu ngay cả bạn – người viết code – còn phải vật lộn mới hiểu code thì các đồng nghiệp của bạn (thậm chí chính bạn sau 6 tháng nữa) làm gì hi vọng nổi về nó?!
4. Ngành học của tôi hay của bạn – tất cả đều đáng trân trọng
Ngồi đọc những dòng này thì bạn có thể là một designer hoặc developer trẻ tuổi. Là designer, bạn sẽ sáng tạo hơn và “hiểu con người” hơn, thế nên bạn “để dành” công việc xử lý dữ liệu cho tập đoàn developer lo liệu. Trong khi là developer, bạn có óc logic và khả năng đương đầu siêu việt với cả đống ký tự phức tạp, vậy nên chuyện “màu mè hoa lá hẹ” bạn cần nhờ đến thế giới designer.
Hãy đổi cách tư duy về giá trị ngành ngề, vì dù là ai, các bạn cũng có chung một một mục tiêu: làm hài lòng khách hàng. Điều này sẽ luôn đúng bất kể bạn đang cố tạo ra một giao diện mê hồn, hay đang nhập dữ liệu cho giao diện đó. Khi trở về nhà vào cuối ngày, chúng ta đều là người dùng của ứng dụng này sản phẩm nọ, thế nên chính bạn cần phải hiểu rõ làm thế nào để khách hàng hài lòng phải không nào.
5. Biết giúp đỡ khách hàng
Không ai có thể đòi hỏi khách hàng phải hiểu hàng đống thứ rối rắm của việc phát triển web, bởi đấy là lý do họ trả tiền cho bạn. Nhiều khách hàng thậm chí còn… đáng ghét khủng khiếp! Đương nhiên rồi. Nhưng khi thấy có chút thất vọng nào trong lòng, hãy cố suy nghĩ theo cách này: Nếu khách hàng gặp rắc rối với các giải pháp đề xuất, thử giải thích nó bằng những từ ngữ bình dân hơn. Luôn nghĩ trong đầu rằng có thể họ không thể trực tiếp chỉ rõ đâu là vấn đề, nhưng lời họ nói luôn hàm chứa “manh mối”, và thứ bạn cần làm là đừng bao giờ cố lờ đi mà hãy lắng nghe họ nói.
6. Hiểu được tầm quan trọng của người tuyển dụng
Thỉnh thoảng các “ông chủ” lại buộc designer phải “phát triển” cái gì đó, hay yêu cầu bạn giải quyết cả đống code .NET trong khi bạn là PHP developer. Họ nghĩ: Bạn sống ở Yorkshire nên thừa sức đến bất cứ “xó xỉnh” nào trong thành phố rộng lớn đó. Nhưng dù thế nào cũng đừng bao giờ quên bạn là người cực kỳ may mắn khi trở thành một phần trong ngành công nghiệp này: Bạn có cả chục ngàn người muốn cầm “Job Offer” đuổi theo bạn! Bản thân tôi thực sự không thể nghĩ ra có còn ngành công nghiệp nào đáng mơ ước như thế hay không.
7. Hãy nhìn những người thành công mà phấn đấu
Người ta thường rên xiết chán nản khi nhìn thấy những người “y chang mình” được mời tới các hội nghị, mời viết báo hay được tán dương bởi hàng tá developer khác. Hãy nhìn vào thực tế đi: chính họ đã GIÀNH ĐƯỢC nó, và bạn cũng CÓ THỂ làm được! Chẳng ai tự nhiên trên trời rớt xuống đi mời bạn phát biểu hay tham dự hội nghị quốc gia – thay vào đó, bạn phải bước ra thế giới, làm thứ gì đó và XIN NHẬP HỘI. Nếu muốn viết bài cho các trang báo nổi tiếng, hãy gửi email đề nghị.
8. Chịu trách nhiệm cho đam mê và tương lai
Rất nhiều lần tôi từng bước ra khỏi phòng phỏng vấn với ý nghĩ: Mình không được tuyển vì họ không “hiểu” mình, hoặc do mình chưa học tập đủ cho nghề nghiệp hiện tại. Nhưng sự thật thì chính tôi mới là người chưa “hiểu”, bởi tôi đã để kĩ năng bị thui chột. Lẽ ra tôi nên thoải mái hơn khi nói về công nghiệp mình từng làm suốt nhiều năm, nhưng không, tôi là kẻ duy nhất đáng trách. Chắc chắn không phải nhà tuyển dụng chỉ muốn tìm một ứng viên biết “thoải mái” với thế giới họ sống và làm việc, cũng chẳng phải công ty không đủ ngân sách cho tôi học thêm những phần mình đang mê nhưng còn thiếu sót. Bạn mới chính là người chịu trách nhiệm cho sự phát triển của mình, chứ không phải ai khác.
Đừng lấy tiền làm cớ cho việc phải dính với thứ mình không thích. Bản thân tôi cũng từng làm nhiều công việc không tương xứng với khả năng, hoặc tôi chẳng đam mê, chỉ vì cứ tự thuyết phục mình rằng nếu bỏ đi sẽ phải gặp rắc rối tiền bạc. Cuối cùng, khi nhận ra đâu là “đường chính đạo”, tôi rời bỏ và hành động.
Ra khỏi một môi trường không làm bạn thấy hạnh phúc có ý nghĩa nhiều hơn là tiền bạc. Làm công việc bạn yêu thích chắc chắn sẽ đem tới nhiều nghị lực, sức sống hơn. Tự nỗ lực để đưa mình tới một nơi thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần cho phép bạn hăng hái hơn với mọi thứ mình làm. Một khi đã làm được rồi, thì đấy chính là cách dễ dàng nhất để phát triển từ nhân cách cho tới sự nghiệp, vì bạn được làm thứ mình thích.
Điều cuối cùng, hãy suy nghĩ thật lâu về bản thân trước khi bạn viết báo về các designer hay developer khác. Có một sự thật là tất cả chúng ta đều có những thời điểm cảm thấy đang đứng bên bờ vực, lo lắng và muốn khẳng định kiến thức, nhân cách bản thân. Chẳng có ai hoàn hảo, ai cũng có cái tôi, lòng đam mê và những thứ đem lại động lực. Ngành công nghiệp sáng tạo là một trong những ngày rộng mở nhất từng có trên thế giới này. Cứ chia sẻ thiết kế hay bộ code của mình, chỉ khoảng một tháng trôi qua, bạn sẽ chẳng còn thấy tăm tích các vấn đề xưa cũ đâu nữa.